Sự nghiệp

Chưa ra trường, con gái đã xin đi làm. Ban đầu chỉ vì muốn tranh thủ chút kinh nghiệm thực tế, nhưng dần dần sự say mê công việc và cảm giác lâng lâng khi cuối tháng cầm trong tay một xấp tiền khiến con học hành bê trễ, bỏ lỡ kỳ thi tốt nghiệp.

Đương nhiên con gái giấu mẹ mọi chuyện. Với gánh nặng mưu sinh khi phải đơn thân nuôi con từ lúc con vừa lọt lòng, mẹ đã không có nhiều thời gian để ý kịp thời chuyện con chưa mang bằng đại học về. Nhưng với trái tim người mẹ, mẹ cảm nhận được điều bất ổn trong thái độ ấp úng của con. Bằng… biện pháp nghiệp vụ, mẹ đã nắm bắt được thông tin chính xác qua bạn bè con. Ngay tối hôm đó, mẹ nhờ con phụ mẹ phân loại những tờ bạc lẻ sau một ngày chạy tới chạy lui với tiệm tạp hóa nhỏ trước nhà, rồi làm như vô tình, mẹ bâng quơ: “Nhờ có những tờ tiền nát này mà mẹ lo được cho con vào đại học”. Nói bốn chữ sau cùng, mẹ nhìn sâu vào mắt con. Con im lặng không đáp lại, nhưng sáng hôm sau, con dậy sớm, trầm ngâm gõ đơn xin nghỉ việc…

Kiến thức, kinh nghiệm, ngoại hình khá, cộng một chút may mắn giúp con mau chóng có việc khác ngay sau khi ôn luyện và thi lại tốt nghiệp. Công ty tầm cỡ, lương tương xứng, có cơ hội thăng tiến, vì thế cũng đầy áp lực, nhiều lúc con phải làm trong giờ nghỉ trưa ít ỏi, và thường về nhà khi cơm canh mẹ nấu đã nguội lạnh. Cứ nhìn mắt con gái thâm quầng hay mặt con nổi lên vài nốt mụn là mẹ xuýt xoa. Chưa đầy nửa năm mà con bị suy nhược, phải vào viện. Mẹ khóc: “Kiếm tiền chi mà cực khổ thế hở con?”, con đành ngậm ngùi xin việc khác.

Lần này cẩn thận hơn, con tìm hiểu về giờ giấc và mức độ công việc rồi mới nhận lời. Nhưng sau vài tháng, do nhu cầu công việc, con được chuyển sang vị trí kinh doanh với mức lương và hoa hồng cao ngất ngưởng, tất nhiên không còn được thong thả như trước. Phải hội họp, phải gặp gỡ khách hàng ngoài giờ, có khi đến gần nửa đêm con mới về nhà, mang cả mùi hàng quán, bia rượu theo về. Mẹ đã nhìn nhận theo cách của các bà mẹ trên đời này khi phải loay hoay tìm cách giải rượu cho con: “Nhà mình nghèo nhưng không quá túng thiếu để con phải lao vào nơi nhiều cám dỗ như thế!”. Con không kể với mẹ về những lời đề nghị khiếm nhã, những va chạm cố tình của các khách hàng, đối tác đáng tuổi cha chú, nhưng con không giấu được tiếng thở dài khi nhận những tin nhắn hay cuộc gọi khó xử… Chia tay với công ty ấy khi chưa làm được hai năm, đưa hết khoản tiết kiệm cho mẹ, con bần thần nhận ra đồng tiền có một hấp lực kinh khủng, trong phút chốc có thể làm lu mờ những giá trị khác…

Thầy cô, bạn bè ở trường cũ giới thiệu cho con một số công việc, việc nào cũng hấp dẫn nhưng luôn có những hệ lụy mà con nghĩ sẽ mang đến lo lắng cho mẹ nên đành bỏ qua. Việc thì xa nhà, không có xe đưa đón; việc thì đi công tác liên miên; có việc lại làm trong môi trường độc hại… Hiện, con đang lên mạng thận trọng tìm việc, rảnh thì phụ mẹ bán hàng và bếp núc, trong khi bạn bè con có người trước đây không giỏi giang bằng con, giờ cũng đã lên lương lên chức. Mấy bà bạn của mẹ thì chắt lưỡi, bảo mẹ cổ hủ quá, rồi sẽ… làm khổ con vì con không thể vừa có việc tốt, vừa hợp ý mẹ.

Mẹ hoang mang không biết có phải mình đã cản trở những bước tiến trong sự nghiệp của con không, dù con đã vui vẻ trấn an mẹ: “Con hiểu sức khỏe, sự an toàn và yên ổn của con chính là “sự nghiệp” cả đời của mẹ mà…”.

Tịnh Hà