Tại Trung tâm điện máy Tân Dung (Công ty TNHH Giang Nam (TNHH) – một trong những cửa hàng điện tử, điện máy lớn trên đường Ngô Gia Tự (thành phố Bắc Ninh) chủ yếu bán các sản phẩm điện tử, điện máy của một số hãng nối tiếng như Sony, Panasonic, Toshiba… có xuất xứ từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật… Trong khi đó, sản phẩm “made in Việt Nam” rất ít, sản xuất chủ yếu tại Công ty điện tử Tân Bình, Công ty điện tử Biên Hòa, Công ty điện tử Thủ Đức với nhãn hiệu “rất tây” như Asia, Lido, Lifan…
Chủ cửa hàng này cho hay: “ Không chỉ ở đây mà hầu hết các cửa hàng, siêu thị khác trên địa bàn thành phố Bắc Ninh mà tôi biết đều có lượng hàng nhập khẩu chiếm thị phần lớn, còn hàng Việt không đáng kể. Nguyên nhân chính là do các hãng điện tử trên thế giới tung ra nhiều sản phẩm, mẫu mã mới phong phú, chất lượng tốt, giá cạnh tranh … được người tiêu dùng (NTD) chọn lựa nhiều”. Không phải NTD “quay lưng” với hàng trong nước mà do các mặt hàng điện tử, điện máy trong nước làm ra còn quá ít. Hơn nữa, thông tin quảng bá về các sản phẩm còn hạn chế nên NTD thiếu tin tưởng”.
Đi một vòng qua các cửa hàng, đại lý, siêu thị điện tử, điện máy “tên tuổi” khác trên địa bàn thành phố Bắc Ninh như: Cửa hàng Yên Vĩnh (Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vĩnh Thành); điện tử, điện lạnh, điện dân dụng Phú Kim… đều thấy bày bán rất nhiều sản phẩm điện tử, điện máy có giá trị nhỏ cho đến lớn như: Máy xay sinh tố, âm ly, loa đài, đầu đĩa, radio, đèn pin cho đến ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ… Nhưng phần lớn các mặt hàng này đều nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Malaysia, Indonesia …
Chủ các cửa hàng, đại lý này đều có chung ý kiến: Hàng điện tử, điện máy do Việt Nam sản xuất ra còn quá ít trong khi đó các hãng điện tử, điện máy nhập khẩu nổi tiếng trên thị trường ngày càng nhiều.
Từ khi có CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” NTD cũng thay đổi cách nhìn với hàng Việt Nam, nhưng do hàng Việt chủng loại ít, không phong phú, không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn của người dân nên các đại lý vẫn phải nhập hàng ngoài nước về bán.
Không nhỏ bộ phận NTD đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như mục đích, ý nghĩa của CVĐ “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên có ý thức ưu tiên dùng hàng Việt. Tuy vậy, giá thành và chất lượng vẫn là vấn đề để NTD phải cân nhắc mỗi khi quyết định mua một sản phẩm nào đấy. Trong lĩnh vực kinh doanh điện tử, điện lạnh thì hàng Việt Nam đang đứng trước 4 yếu tố cạnh tranh: Giá cả; các dịch vụ sau bán hàng (bảo hành); chi phí quảng cáo sản phẩm (các hãng nước ngoài dành chi phí cho việc này rất cao, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm việc này) và chính sách tín dụng.
Để CVĐ“ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thực sự mang lại hiệu quả thì ngoài không ngừng cải tiến về mẫu mã, nâng cao về chất lượng thì vấn đề hạ giá thành và đa dạng hóa sản phẩm cũng là những yêu cầu cấp bách đặt ra cho vị trí của hàng Việt.